Hàng năm, khi tới tháng 9, 10 Âm lịch, khắp miền đất đỏ bazan lại rộn ràng mùa
cà phê chín mọng sau một năm chăm sóc vất vả. Du khách tới
Tây Nguyên hầu như lúc nào cũng thấy không khí rộn ràng, người người nhà nhà tấp nập từ nương rẫy cà phê tới những khoảng sân phơi.
Từ thời điểm nhữ thập niên 90, giá
cà phê nhân khoảng từ 40.000 đến 50.000/kg (giá vàng thời điểm đó chỉ có 160.000/chỉ), vậy mà sau gần 25 năm (đến thời điểm hiện tại) giá
cà phê cũng chỉ có 42.000/kg đầu vụ. Vào chính vụ thu hoạch thì còn giảm sâu nữa, đôi lúc chỉ còn 36.000/kg. Trừ chi phí đầu tư người nông dân chỉ còn chút đỉnh lo toan cho cuộc sống.
Để việc thu hoạch diễn ra nhanh chóng, người nông dân thường bắt đầu ngày làm việc từ sáng sớm khi mà nương rẫy cà phê đang chìm ngập trong sương mù, quần áo ướt nhẹt vừa lạnh vừa bẩn. Khi ấy, một tấm bạt lớn được trải dưới gốc cây để hứng quả cà phê chín tuốt từ cành. Cứ thế, tấm bạt được kéo từ gốc này sang gốc khác tới khi đầy, người thu hoạch lọc bỏ lá rụng và cành gẫy sau đó mới đem phơi.
Thời gian phơi lại tùy theo điều kiện thời tiết để kéo dài từ 6 đến 30 ngày. Khi quá trình này kết thúc, phần lớn thành phẩm được rao bán đến những nhà máy, còn lại các hộ gia đình tự rang xay. Thông thường, thời gian rang một mẻ cà phê đã lột vỏ tại nhà mất 30 phút và thực hiện thủ công thuần túy.
Một số du khách thường lầm tưởng quả
cà phê phải có mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, thực tế cà phê chỉ có mùi sau khi rang chín. Do vậy, trong quá trình sơ chế, mỗi gia đình lại có những bí quyết riêng tạo độ thơm cùng hương vị đậm đà. Mỗi mùa thu hoạch đi qua, người dân Tây Nguyên thường giữ lại chút
cà phê trong nhà như món quà tự thưởng bản thân sau một năm vất vả chăm bón.
Qua giai đoạn này, tới tháng Ba, hoa cà phê lại nở trắng, bồng bềnh trên từng nương rẫy.
Tây Nguyên khi ấy sẽ khoác lên mình màu áo mới dịu dàng và điệu đà, bắt đầu một chu kỳ mới chờ nắng gió, người chăm sóc để kết thành chùm quả. Mình vẫn còn nhớ như in mùi hương hoa cà phê thơm ngào ngạt trên đường đi học về. Thương quá Tây Nguyên ơi!
Posted by Xuân Đức